Thôi-Tha-Thứ
Là thôi, tha thứ hay thôi tha thứ.
Vì ta là người, ta giống người, nên ta yêu người, ta tha thứ cho người,
Người ta thường nói bản thể thì trong sáng-lặng yên, còn bản ngã thì mù mờ và ồn ào. Bản ngã (Cái “tôi” theo triết lý phật giáo) hay “nói” rất nhiều, kể lể, lầm tưởng và âm mưu mọi thứ. Bản thể cứ ngồi đó mà nghe, không phản hồi. Bản thể chỉ khẽ “cất lời”, khi bản ngã ngừng “làm việc”. Đó là lúc người ta nói “thiền định” giúp tâm ta tĩnh lặng, nhưng chẳng qua là vì cái “ngã” của ta “im lặng” nên ta “nghe” được nhiều. Ngưng nghe “cô bản ngã” định vị, mà chỉ cảm nhận thứ “cô bản thể” vốn là. Cái “ngã” của người là thứ dễ làm tổn thương ta nhiều nhất và xung quanh cũng dễ dàng thấy ta qua bản ngã, quên mất cái “bản thể” giống họ của ta, giống ta của họ, đôi khi vì đó mà thấy khác lạ, thấy ta với người là hai. May thay, trong mỗi người lại luôn có một thứ sức mạnh giúp ta nhìn thấy những câu chuyện được tạo ra bởi bản ngã và đứng lùi lại để thật sự thấy được thực tánh của chúng. Sức mạnh đó chỉ người có thể làm cho bản ngã im lặng và trở nên một với toàn bộ mọi thứ đang xảy ra mới có thể cảm nhận được. Đó là sức mạnh của thiền.
Với các thiền sinh lâu năm, tĩnh tâm không phải là hệ quả tất yếu của phương pháp này. Quan sát “cô ngã” và cảm nghiệm “cô thể” mới là mục tiêu tối thượng của nó. Ngồi xuống nhắm mắt lại, quan sát và mời gọi tất cả những suy nghĩ trong ngày đến để nhìn ngắm - hỏi thăm và tiễn chúng ra đi để ta được yên lặng. Thế là thiền. Bạn có thể để ý kỹ hơn, mỗi ngày trong đầu chúng ta chỉ quẩn quanh vài vấn đề, nhưng nó cứ dây dưa mãi từ ngày này qua ngày khác (có người còn phải tính bằng năm, bằng tháng). Thiền giúp chúng ta sắp xếp lại thứ tự và quan sát từng đứa một. Khi nhắm mắt ngồi, “đứa to xác” nhất sẽ đến trước hỏi chuyện, gào thét, sau đó, lần lượt từng “đứa” đến sau, rồi tụi nó nắm tay chơi xoay vòng. Bạn có thể chọn chơi chung hoặc có thể lặng lẽ, nhìn nó và tự hỏi sao tụi nó lại khóc và vỗ về nó. Ai giỏi hơn nữa, thì quen thuộc hơn với lề lối ngồi yên trong “chánh điện tinh thần” phát triển chánh tư duy, chánh tri kiến. An trú tốt nơi thân và tâm. Đi đâu cũng là Niết Bàn. Nhìn đâu, cũng thấy dễ thương. Thôi, tha thứ
Bởi thế, thiền là môi trường đầu tiên cho mỗi chúng ta trên hành trình tìm kiếm sự tha thứ. Người ngồi thiền - dễ hiền - cũng là người dễ tha thứ nhất. Tôi khuyến khích mọi người tập thiền thật nhiều.
…..
Chúng ta đều GIỐNG NHAU - bất toàn và mâu thuẫn.
Nhưng ta phải sống chung với 2 mảnh ghép bản thể và bản ngã này và không thể loại bỏ cái nào. Hai mảnh đó tách từ ta, gộp nó lại cũng ra ta. Con người hỗn độn phân tranh, nửa chánh, nửa tà. Vừa cảm xúc, vừa lý trí. Vừa tinh ranh vừa hồn nhiên. Vừa ấu trĩ cũng vừa già cỗi. Chọn 1 trong hai thì thể nào cũng thấy sai sai, mà chọn cả hai thì phải chấp nhận với mảnh “thánh thần” cũng như mảnh “yêu ma” trong mình, “vừa sống vừa quan sát cùng lúc, vừa chắp cánh cho thiên thần bên trong vừa canh chừng ác quỷ”. Mỗi ngày. Đời sống xã hội hiện tại khó lòng kìm hãm những “bản ngã” xấu xí, nhưng cũng chính trong xã hội đó, “bản thể” tốt đẹp cũng được “gạn đục khơi trong” và phơi bày nhằm tìm ra ánh sáng của riêng mình. Nếu không có cái này, thì cũng không có cái khác. Cái A không diễn ra, cái B sẽ không xuất hiện. Kẹt vào một ý niệm đúng-sai, phải-quấy, không làm ta tốt hơn, cũng không giúp người khác hiểu vấn đề và thiện lương nhanh hơn. Nên thôi, tha thứ đi. Con người nó mâu thuẫn vậy đó, đừng để ý làm gì mệt đầu.
Có người làm chuyện sai vì họ vô minh, nhưng có người biết tha thứ cho cái sai một cách trong sáng thì thọ giới vô lượng. Tôi cho rằng chúng ta đều là những xác thịt yếu đuối, có một quỹ thời gian hữu hạn, khao khát hạnh phúc tột độ và cùng chạy trốn đau khổ vô cùng trong kiếp người. Trên hành trình đó, không ai trong chúng ta sẽ chắc chắn rằng mình không mắc sai lầm và có thể tránh khỏi những lần sai lầm vô minh từ người khác. Vì ta và người đều khao khát cùng một thứ và cũng thích tránh xa cùng những điều muốn tránh xa, nên đôi khi, cách chúng ta chọn để đạt đến điều đó sẽ vô tình hoặc hữu ý làm tổn hại đến thân thế và tâm trí của đồng loại.
Cuộc sống diễn ra trước khi ta biết đúng-sai. Nếu không do chính bản thân SỐNG, chứng thực, chứng nghiệm, sai-bị kết tội-khoan hồng-làm lại, thì ta làm gì biết đường quay về “chánh” khi chưa gặp đường “tà” khiến ta mục ruỗng xót xa. Ta cũng vậy, người cũng vậy.
- Lúc nghe một lời nói dối, cũng là lúc thấy: À, hóa ra mình cũng có những lúc xảo trá, gian manh như vậy khi muốn đạt được điều gì đó.
- Lúc ai đó nói một điều không đúng về mình, cái vỡ ra: Ồi, mình cũng từng vui miệng hùa vào câu chuyện nào đó để nói xấu người khác nhỉ
- Lúc giận tím mặt vì người ta chửi mình, cũng chột dạ: Chèn, hình như mình cũng đã lỡ đay nghiến ai đó vì bực mình họ…
Hạt giống nào gieo ra, đều trở về với ta trong một ngày gần nhất. Người ta hay trêu, Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã hay Mây tầng nào gặp mây tầng đó, hóa ra là vậy.
Mỗi lúc như phải chịu những “quả đắng” từ hạt giống nghiệp bản thân gieo từ vô lượng kiếp lẫn kiếp này, tôi thường thiền hoặc viết. Trong tâm thức và trong những dòng viết, tôi cố gắng truyền tải ý tôi yêu họ thật nhiều và tôi tha thứ cho họ, có thể họ đã không có hạnh phúc khi đã đối xử với tôi đầy oan ức, tôi mong họ có thể được xoa dịu. Sau đó, thẳng thắn đối diện với họ như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Suốt 2 năm thực hành, sự thay đổi đến với bản thân hoàn toàn vi diệu đến mức tôi cứ nghĩ tôi mà tăng level tha thứ của mình nữa chắc ông trời sẽ đẩy thêm nhiều ca khó cho mình … huhu. Nhưng còn sợ là còn chưa tin con đường. Tôi tự nhủ vậy. Thế rồi lại thôi. Thôi, tha thứ cho người đi. Mình cũng không hoàn hảo mà. Thừa nhận với bản thân và mọi người rằng tôi cũng như mọi người phàm khác, cũng có những cái ngưỡng nhất định cho sự tha thứ của mình và vẫn cố gắng hết sức mỗi ngày để tu tập và tối quan trọng là phải quan sát kỹ mình để rút ngắn thời gian tha thứ cho mọi người xung quanh mình thì càng tốt. Sai ở đâu, thì tôi sẽ sửa từ chỗ đấy. Tôi hy vọng, việc thừa nhận bản ngã của mình có thể làm mọi người hiểu đúng hơn về vấn đề tôi muốn truyền tải.
Và bạn biết gì nữa không, biết buông tha cho chính mình, bạn mới có thể dễ tha thứ cho người khác. Trong 3 chữ Thôi, tha thứ, chữ “tha thứ” đến sau và chữ “Thôi” đến trước, bởi tôi muốn nhấn mạnh ý, làm sao có thể tha thứ cho người khi ta chưa “thôi”. Cái “Thôi” bắt đầu từ ta, khi ta biết buông và tha thứ cho chính mình, ta sẽ dễ mở lòng trước con người vì họ giống ta quá. “Thôi” không thể hiện sự bất lực, thờ ơ, lãnh đạm, mà “thôi” là một nét thiền, “thôi” là xả. Ngồi xuống, nhắm mắt lại là “thôi”, hít vào-thở ra là “thôi”, nghĩ về cơn giận, nghĩ về đối tượng làm ta tổn thương và mỉm cười, là thôi. Huề nha. Nhân vô thập toàn, mà chúng ta còn là thể loại nhân “thập cẩm”, từ gia đình, sự nghiệp, cho đến tình yêu, quá trời “cơ hội” gây và bị gây ra không biết bao lỗi lầm xung quanh. Ví dụ nhanh nhất cho mọi người là tôi nè. Tôi là trùm ăn thua, lì lợm, bảo thủ, ù lì, ….. Châm ngôn ngày trẻ trâu của tôi còn là “Tôi là con ngựa non háu đá, thích sống hoang hoải với những ngày tháng đã qua” hay đến giờ Hy Magazine vẫn còn slogan “máu khuyển” thời đó là “Be wild, Be young” mà tôi hay dịch là “Hãy hoang dã, Hãy non dạ”.
- Tôi quậy banh ta lông nhưng hay đóng vai hiền lành cốt qua mắt gia đình.
- Tôi viết tốt nhưng ăn nói thì bỗ bã-thích nói lái-hay văng tục, nên gặp người lạ, tôi cố gắng nói những lời lịch sự quá đà, hay bị nói thảo mai-sáo rỗng mà người ta hay coi thường (Tuy nhiên, thảo mai còn hơn nói lời thô lỗ với người khác, tôi không thích).
- Tôi ít nói, thích quan sát, và chọc khoáy người khác, người không hiểu tính sẽ hay dỗi, còn mới thân sẽ bị khớp vì chưa quen. Vì tính chất công việc Truyền thông - Marketing, nên tôi cũng cố gắng tự mình tập giao tiếp chuẩn chỉnh hơn, nhưng vẫn không thể bớt khịa người khác được. Tréo ngoe. Rõ khổ là vậy.
Tôi đã cố gắng và luôn cố gắng mỗi ngày rất nhiều.
Nhiều lúc tôi hay bị dèm pha, điều tiếng và bị những người xung quanh giận. Tôi có thể tha thứ cho họ hai ý đầu của câu trước, nhưng lại khó tha thứ cho chính mình khi làm người khác tổn thương của ý sau, tôi hay sợ hãi phải đối diện với lần lầm lỗi của mình với con người. Tệ hơn, có những tổn thương do người khác gây ra cho mình, mà tôi cũng không tha thứ cho chính mình luôn. Nhưng tôi luôn cố gắng tập xin lỗi nếu họ nói thẳng với tôi là họ không thích tôi hành xử như vậy, còn với ai mà im im không nói gì, là tôi không biết làm sao luôn. Khi không giao tiếp được và thêm đặc tính là không bao giờ biết mở miệng nói xin lỗi trước, thì tôi cứ toàn tự im lặng. Thành ra cần lắm một trái tim thấu hiểu con rùa bò lì lợm, mang tôi ra ánh sáng thứ tha để tôi được hưởng ân sủng chung từ trái tim Thôi, tha thứ của họ
Thiết nghĩ, nếu không được làm con mẹ Thủy với ba Hùng, hai người mà không dạy và uốn nắn tôi từ thuở bé, chắc có lẽ giờ tôi thành vài thể loại phường lưu manh nào rồi. Bởi phúc đức nhất đời là được sinh ra trong một gia đình giáo dục con cái tốt (Có một gia đình tốt sau này cũng là mục tiêu hàng đầu của tôi đấy).
Thứ duy nhất trên đời có thể thuần phục được tôi mà đến tận giờ phút này tôi mới nhận ra chính là Tình yêu thương và sự tha thứ từ người bên cạnh. EQ đỉnh cao của ba mẹ tôi thì dư sức bóp chặt 1 con cáo non như tôi. Bất đắc dĩ vì tôi là con, nên ông bà phải thực hành “Thôi, tha thứ”, cũng may là tôi bị thu phục thật. Mà cứ thu phục được tôi thì từ đó về sau, tôi ngoan một cách tự giác. 10 điểm chất lượng cho bài học từ ba mẹ mà rất cần thiết cho mỗi người con. Bài học về sự tha thứ
Tuy nhiên, như tôi có nói ở trên, có sai, mới thấm thía được cái đúng và sợ hẳn đến mức không dám tái phạm. Sự tha thứ của đối tượng chúng ta gây lỗi lầm khiến ta biết điều đó là sai, và may mắn là ta được họ tha thứ. Họ tha thứ không có nghĩa là họ không biết ta làm sai, mà họ cho chúng ta con đường để làm lại. Cái tha thứ, nó làm cho người được tha thứ “thấm” cái sai nhanh hơn giấy quỳ chuyển đỏ khi gặp axit và làm cho người tha thứ ấm con tim, mát cơn đau. Nhà toán học Blaise Pascal còn nói rằng “Thấu hiểu chính là tha thứ”. Vì hiểu con-người, nên ta tha thứ cho họ. Mà thấu hiểu được, mới có yêu thương nhau lâu dài.
Đặc biệt, trong suốt quãng đường trở thành một người viết, điều khiến tôi khó tha thứ cho chính mình và sợ nhất chính là những khi tâm thức của mình không thể song hành cùng minh triết. Hoặc dùng “minh triết” của mình núp bóng cái mác mục đích nào đó để có thể họa ra “chữ” cho người đọc. Hay kinh hơn nữa là nói với viết thì hay mà sống như cái củ mì. Có những bản thảo viết mấy tháng ròng, mới hôm qua còn ngỡ là “minh triết”, ngay hôm sau, đã tự tay xóa sạch, “đạp đổ” mọi suy tư của chính mình chỉ trong vòng một nốt nhạc vì “ly tâm”. Những bài đã public rồi, đem tới cho người đọc rồi, đọc lại thấy dở quá, đành tự “nuốt hận” dai dẳng, cũng ngậm ngùi tập luyện “Thôi, tha thứ” để kịp lấy lại năng lượng cho những bài khác tốt hơn trong tương lai.
Mà quan trọng, một khi đã thốt ra được “Thôi, tha thứ”, thì phải thật tâm, thật lòng. Đừng bao giờ để các yếu tố khác chi phối chỗ này. Phải rạch ròi và phân minh. Đã tha là không ghim mà còn ghim thì đừng nói tha thứ. Nghe tôi, ĐỪNG NÓI GÌ CẢ, khi chưa đủ thứ tha.
“Chúng ta đầy khiếm khuyết và sai lầm; hãy để chúng ta cùng tha thứ cho sự nực cười của nhau - đó là luật đầu tiên của tự nhiên” (Voltaire).
Với cả trong cuộc đời này,
có những chuyện nó chẳng phải lỗi của ai cả, nó cứ thế mà xảy đến thôi.
Nếu cho qua được thì cho qua, không cho qua được thì cứ từ từ rồi qua. Mình không chọn trải nghiệm được dù rất muốn chọn bạn mà chơi, chọn thầy mà học, chọn người mà yêu và chọn tình huống tốt mà trải qua,... nhưng bạn bè, thầy cô, người yêu và hoàn cảnh lại đến với mỗi người như một lẽ tự nhiên (hoặc một vài thế lực khác gọi nó là karma) mà bạn không thể trốn chạy. Bạn có quyền chọn quit game hoặc chọn chơi tiếp. Nhưng phải nhớ thật kỹ điều này: “Thoát ra về mặt hình tướng thì dễ, thoát ra về nghiệp mới khó”. Bài học cho linh hồn là một bài học bắt buộc, còn học xong ở kiếp sống nào, sẽ còn tùy thuộc vào bạn.
“Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao“
Sau mỗi lần thất bại trong việc tha thứ cho một ai đó, tôi lại cố quay về làm mới hoặc thử theo cách suy nghĩ khác, đến khi nào tha thứ được thì thôi. Không thể ngồi nói về con người bình đẳng, về tình yêu đồng loại mà không thể không biết tha thứ cho mình, tha thứ cho người. Như vậy thì kì cục và xấu hổ lắm, khuyên người khác cũng không được nếu mình không làm gương.
Có hiểu mới có tha thứ, mà tha thứ được thì mới có yêu NGƯỜI như yêu MÌNH.