Hỏng biết mình

Thumbnail of the post Hỏng biết mình

Hỏng chịu biết mình được hong?

Biết mình là gì?

Ngày nọ, có một người đàn ông lắm tài nhiều tật (mà tôi hay gọi với bút danh Khuyết tật) đã gửi cho tôi một bài viết mang tên “Biết mình” như một lời căn dặn theo cái kiểu của lão, nhưng tôi nghĩ nó phù hợp với luận điểm “Biết mình” là gì cho mở bài lần này, nên mạo danh dẫn vào đây, lão hào sảng, chắc cũng chả chửi, mà chửi thì nghe vậy. Hi.

“1. Hegel sư huynh biên ở đâu đó rằng “Mọi cái biết đích thực, là triết học, đều là cái biết phản tư, tức quay trở lại trở lại với chính mình từ cái tồn tại – khác, chứ không đơn thuần là cái biết ý hướng tính hay cái biết hướng tới đối tượng khách quan…”

Nghe hiểm nhờ! Nhưng không hiểm thì đã không phải là Hegel…

Nôm na là, nếu ta chưa biết món phở Tư Lùn là gì, ta sẽ ăn nó và ta thấy nó ngon quá, và ta sẽ khám phá ra nó ngon vì được tạo bởi những thành phần a, b, c…

Nhưng, thực chất của vấn đề “Khám phá món phở Tư Lùn” cũng chỉ để ta bỗng nhận ra chính bản thân mình, rằng sâu trong ta có khả năng thẩm định cái ngon từ “Phở Tư Lùn”, chứ ta không thể có khả năng thẩm định cái ngon của “Một bãi cứt”

Mục đích của khám phá thế giới, rốt cuộc để tìm xem ta có khả năng gì, hay “Ta là ai”, tức là xét đến cùng nhận thức chính là nhận thức về mình, hay nói cách khác, từ “Ý thức” là trình độ của loài chó lợn, ta vươn lên “Tự ý thức” là trình độ của loài người.

2. Những điều trên không mới mẻ gì, vì hai nghìn rưởi năm trước, Socrat từng nói “Tôi cần phải trước hết, nhận thức được bản thân mình. Tôi tò mò về nhiều thứ không liên quan đến mình, trong khi tôi vô minh trước bản thân mình, thì điều đó thật lố bịch”

Cho nên, ai cũng nhớ câu nổi tiếng ông đọc trong đền Delphi, theo truyền thuyết là thần linh mách ông, rằng “Con người hãy tự hiểu mình” 

Trong một luận thuyết lừng danh thần bí ở châu Âu thời Trung cổ, cũng có đoạn như sau:

“Biết thật kỹ bản thân mình là nghệ thuật đứng trên mọi nghệ thuật, bởi đó là nghệ thuật cao cả nhất. Người nào nhận thức được bản thân mình thật tốt, thì ở trước mặt Thượng Đế nghệ thuật của người đó tốt đẹp hơn và đáng được ca ngợi hơn nhiều so với người nào đó hiểu được tiến trình của bầu trời cũng như của các hành tinh, các vì sao…. nhưng lại không nhận thức được bản thân mình” (Trích văn minh trung cổ)

Nói cách khác, anh học hành bằng giời nhưng không biết mình là ai thì cũng vứt!

Tôn giáo còn có cách nói hay hơn: “Hiểu được chính mình, chính là hiểu được thượng đế”

Anh Budha aka Phật, sớm hơn Socrat vài mươi năm, ở xứ ấn độ phương đông, cũng phát hiện ra chân lý giác ngộ - tự hiểu mình -  bằng cách ngồi thiền nhắm mắt tư lự 49 ngày dưới gốc cây Bồ đề aka cây nhận thức.

Nhà tiên tri Mohamad đạo Hồi cũng trả lời môn đệ khi được hỏi “Thưa nhà tiên tri, tôi nên làm gì khỏi phí thời gian của mình? Nhà tiên tri đáp “Hãy học để nhận thức bản thân mình” 

Bên Tào khựa có anh Lão Tử cũng biên trong sách Đạo đức kinh thế này:

“Người hiểu biết những người khác là người khôn ngoan. Người hiểu biết bản thân mình là người minh triết”

Tóm lại, mục đích làm người là hiểu được chính mình và biết mình là ai.

Nếu không, ta cũng như con bò mà thôi.

3. Về căn bản người cũng như loài bò nếu nó chỉ biết hành động, nói năng, nghiên cứu, phản ứng một cách cơ giới như một cỗ máy dựa trên “Các chương trình” được cài đặt một cách tình cờ không có chủ đích…

Và, người cũng như loài bò, hầu hết không biết rằng mình đang hành động theo các chương trình, bởi vậy, muốn con người hay loài bò đó hành động khác đi, chỉ cần “Tái cấu trúc chương trình” là xong…

Chỉ khi anh ta “Thức tỉnh” thì không ai có thể cài đặt chương trình cho anh ta nữa, khi đó, chỉ có anh ta “tự cài đặt chương trình” cho mình.

Thức tỉnh, nói cách khác, chính là tự ý thức, tức biết chính mình, và khi đó người mới là người đích thực.”

Bò kho Vũng Tàu ngon số dách.

----

Nếu có thể biết mình một cách sâu sắc như vậy thì thật là tốt, nhưng cũng không cần quá phức tạp vấn đề “Biết mình” lên để tự làm khó và mâu thuẫn với cuộc đời. “Biết mình” như anh Khuyết tật bàn bản thân nó đã là một chuyến hành trình dài dăng dẳng không hồi kết “truy đuổi” con người từ lúc mở mắt sinh ra cho đến khi biến mất. 

Theo tôi, vẻ đẹp của nhận thức “Biết mình” nằm ở mức độ, số lượng trải nghiệm và độ sâu tâm hồn của mỗi cá nhân khi bắt đầu đào sâu về vấn đề này. Người càng phức tạp thì sự “biết mình” lại càng nhập nhằng, rối ren, và đi một hồi sẽ chỉ thấy ngõ cụt do sự thực phũ phàng mà chính sự tồn tại của cá nhân đó và những cái họ tìm thấy quánh nhau chan chát, vỡ đầu, tóe máu. Còn người đơn giản, chỉ thấy điều họ thấy và muốn thấy. Một chút vô minh để từ từ vô hồn … hahaha. 

Chúng ta không phải là thánh nhân, chúng ta cũng chỉ là người bình thường mà thôi. Ta đang chạy quanh quanh và dạo chơi trong vòng luân hồi của linh hồn. Nếu có bài học nào cần biết, thì tự khắc sẽ được biết, còn lại thì họa may: Chúc bạn may mắn kiếp sau. Nếu cố triệt để biết mình, bạn sẽ dễ bị điên hoặc hành động điên rồ vì khao khát tìm thấy chân lý. 

Tôi thích biết mình bằng cách nắm lấy thực tại và một chút trải nghiệm từ quá khứ để sống. Vừa sống, vừa quan sát. Nhất quán từ trong ra ngoài của mỗi giây phút (Nói vậy chứ khó lắm).

Cố gắng thẳng ngay với chính mình trong mọi hoàn cảnh thôi cũng đã là một nỗ lực rất nhiều của mỗi cá nhân để được sống là chính mình ngay giờ phút ấy rồi. Dù cái biết lúc đó thông qua biểu hiện của ngã hoặc qua bản chất chân thật đi chăng nữa thì tôi cũng oke. Chả có sao, có trăng thôi cũng đẹp. Cứ sống kiên trì, chạm đáy hạnh phúc sẽ phảng phất chút mùi đau thương và chạm đáy khổ đau sẽ tự biết tìm đường về chân phúc. 

"Càng nhất quán giữa trong và ngoài bao nhiêu thì con người càng tự tin bấy nhiêu. Tự tin là tự mình tin được chính mình, khởi điểm cho việc tin vào cuộc đời nữa. Những lời nói dối xếp chồng lên nhau không thành một lời nói thật, không thể nói dối nhất quán được, không vệnh góc này thì lệch góc kia. Cho dù bạn rất thông minh, có thể hiểu cơ chế tâm lý của người khác để thao túng, để dùng mind game, nhưng cái còn lại sau cùng vẫn là tự mình cũng không tin mình."

Và bên dưới là bài tự thuật biết mình đơn giản, tôi tự làm để tự sướng và tự thưởng, tự phạt. Bạn có thể làm theo, hoặc không, hoặc đọc chơi cho biết cũng oke. Let’s go….

Nắng nằm lên chân em.

---

Biết mình từ hoàn cảnh sống.

Tôi được sinh ra và trưởng thành trong một xóm lao động với những cô dì chú bác hàng xóm đa phần phải chạy ăn từng bữa dù làm rất nhiều nghề để sống. Tôi còn nhớ khi còn nhỏ, bà con thường hay ghé nhà mượn vài lon gạo, vài muỗng muối hoặc nước mắm cho dăm bữa cơm thiếu.... Khi lớn lên, mọi người dần khấm khá hơn, thì ba mẹ tôi vẫn chọn sống an toàn với mức sống như vậy, nhưng bụng mừng thầm vì ai cũng bớt khó khăn.

Ba mẹ dặn rằng dù sau này có như thế nào đi chăng nữa, tôi cũng không được phép quên xuất thân của mình mà đối xử tồi tệ với những người xung quanh. Phải biết mình là ai, đi lên từ đâu, nhìn thấy điều gì để sống và lớn lên cho đến ngày hôm nay, rồi ứng xử với cuộc đời cho phải. Biết mình để khiêm nhường và nâng đỡ người khác khi có thể.

View ngồi đối diện TCH Lê Văn Sỹ.

Biết mình qua tuổi thơ

  • Hồi 5 tuổi, tôi không gọi thím (vợ chú ruột) là thím vì tôi không thích từ thím và thấy nó khá phức tạp, nên tôi đã gọi thím mình là “cô”, mặc kệ mọi người nói gì. Hình như tới bây giờ cũng còn thói quen mặc kệ mọi người nói gì.
  • Tôi cãi giáo viên và không chịu về nếu cô không sửa điểm cho tôi từ 9 thành 10 (5 hoặc 6 tuổi gì đó). Lớn lên, tính ngoan cùn cãi cố cũng bớt dần, tôi đang bắt đầu điềm tĩnh hơn, và nếu không thấy điều gì hợp lí, tôi sẽ trình bày ngay và tuyệt đối không giữ trong lòng khi gặp bất công.
  • Lớp 2, tôi có “kinh doanh” bằng cây bút có mùi thơm 3.000đ ba mua cho mình. Đứa nào muốn ngửi, tôi quẹt cho 3 quẹt rồi ngồi hít hà như thuốc phiện, còn tôi thu về bộn giấy đôi để làm bài kiểm tra và giấy rời để nháp nhiều đến mức xài hết cấp 1 tôi vẫn còn dư. Tôi còn chép bài và chỉ bài cho bạn trên lớp để kiếm tiền xài nữa.
  • Tôi viết chữ đẹp, nhiều người khen quá, thế là tôi mệt và tự viết xấu đi và xấu cho tới giờ luôn. Hoặc tôi được nhiều người yêu mến quá mà về nhà cầu nguyện cho họ ghét mình đi để mình được chơi một mình. (Một kẻ hủy diệt chính hiệu)
  • Tôi ít khi muốn gì mà một khi muốn thì thường làm mọi cách để đạt được thứ đó. Suốt một thời gian dài, tôi từng nghĩ về việc này giống như một tính cách xấu và tôi tự nhủ mình phải triệt bớt nó dần dần. Vì bên cạnh điều tốt là trở thành người có mục tiêu và thích đạt được nó, thì nhược điểm của tính này là sẽ dễ lao đầu vào những điều xấu, không dứt được.
  • Tôi thích làm tạp chí, đến giờ vẫn vậy. Hy Magazine cũng được 6 tuổi rồi, tôi cũng mong muốn đến năm thứ 10, nó sẽ được ra mắt dưới dạng báo giấy như tôi hằng mong.
  • Tôi thích đi ngắm nhà đẹp. Ngày còn nhỏ, tôi hay xả stress bằng việc đạp xe vòng vòng những khu biệt thự để dừng lại và ngắm nghía nó, ước ao được ở trong một căn nhà xinh như thế. Lớn và điều đó vẫn không thay đổi trong tôi là bao, thậm chí, được học tập và làm việc tại một nơi ồn ã như Saigon, tôi tha hồ lang thang đến mọi khu nhà được thiết kế mĩ miều mà thỏa mãn cơn khát ngắm nhà đẹp của mình.
Tui là trùm cắt hình của mục Nhà đẹp nè. Chữ viết hồi 14 tuổi.
  • Tôi nhạy với màu sắc, thường bị ảnh hưởng cảm xúc mạnh bởi màu sắc và dùng khả năng đó để phối quần áo cho mình.
  • Tôi sáng tác mọi lúc mọi nơi. Dù là lớp trưởng nhưng tôi ít gương mẫu. Trong một vài tiết học tôi hay giả bộ nghe và ghi chép nhưng thực chất là đang hí hoáy viết tiểu thuyết ba xu, tới giờ, tôi vẫn viết được truyện ngắn ngon lành và rất thích đọc truyện do chính mình viết.
  • Tôi sợ bóng tối, phim kinh dị và truyện ma. Tất nhiên là giờ vẫn còn.
  • Tôi thích đồ ăn ngon, bánh ngọt và những cơn mưa.
  • Tôi thích chơi mind-game với người khác từ khi còn nhỏ và sẵn sàng học thuộc 2 tập Kokology để đi test tính cách bạn bè mình. Tời giờ thì tôi tự thấy đó như một thói xấu và cũng bỏ nốt. Dư vị duy nhất còn lại trong trong mớ hỗn độn đó là một sự nhận thức tự thân, giúp tôi có thể nhận biết khi ai đó đang dùng mind-game với mình và dễ dàng tìm ra luật để thắng mọi ván Board game cùng bạn bè.
  • Tôi thương gia đình mình rất nhiều, nhưng có một thói xấu là trước khi đi ngủ lại chỉ toàn nhớ người yêu (nếu có).
  • Tôi hay ngủ nướng và thường bị đánh thức bởi âm nhạc mình yêu thích. Bạn tuyệt đối không được tắt nhạc khi tôi đang nghe, và đó là điều cấm kỵ. Âm nhạc là người bạn thân nhất khi tôi không có ai bên cạnh.
  • Tôi không thích nghe lời lớn tiếng hay bị mắng. Tôi có thể té đau, rách thịt không khóc, đổ dầu nóng lẫn povidine vào mắt và không cảm thấy gì, nhưng chỉ cần nghe lời đau lòng, sẽ bị tổn thương nhanh chóng. Và một con bánh bèo mít ướt sẽ xuất hiện ….
  • Tôi không hẳn là không thích cái tên của mình Nhưng tôi ghét cái cách mỗi khi tôi đọc tên của mình trước ai đó hỏi vì nó bắt tôi phải đánh vần: Hy là H đi với y, hoặc Hy- “trong Hy vọng ạ”. Hầu như xác suất này lên đến 100%.

Tất cả những điều còn sót lại trong tâm trí tôi chỉ được từng này, thói quen lẫn đời sống xung quanh tôi từ thuở bé được phát triển tự nhiên và ý thức thay đổi theo độ tuổi đầy đủ như tôi đã nêu. Đọc lại thì thấy không có ai dạy, mà chỉ sinh ra thế nào, thì phát triển đến thế ấy, trong lúc phát triển, cái nào quá xấu làm ảnh hưởng đến chính mình hoặc mọi người thì mình bỏ bớt. Cũng khá thú vị.

Cái đít quần tui dơ tại vì tui cười mẹ tui dấp té xong cái tui té theo luôn.

---

Tôi còn biết mình thông qua tương tác của bản thân với các mối quan hệ xung quanh

Về công việc, tôi thích cách nghĩ của Keating khi anh làm việc với Francon qua đoạn trích:

“Khi Keating đưa cho Francon bản thiết kế đầu tiên của anh tại hãng (dưới sự tham vấn của Roak-Hy chú thích), ông đã đã nói rằng: “Thiết kế hơi khác thường, nhưng nó đúng như những gì tôi hình dung”

Tuy ngạo nghễ nói lại” Cháu đã nghiên cứu các tòa nhà của bác và cố gắng đoán xem bác sĩ làm gì”. Nhưng anh lại mỉm cười và nghĩ rằng Francon không thực sự tin vào điều này và ông ta biết chính Keating cũng không tin nhưng cả hai đều đồng tình với nhau ràng buộc chặt hơn với nhau bởi vì họ là những kẻ cùng hội cùng thuyền" (Suối nguồn)

Trong 1 team, tôi có thể không hiểu hết những điều đối phương nói, nhưng tôi thích tin chung một niềm tin với họ và làm tốt công việc của mình, sau đó, những sai sót sẽ được chỉnh sửa trong quá trình thực hiện và rút kinh nghiệm. Không cần quá khắt khe. Cuộc sống cũng tùy mối quan hệ mà ứng xử. Có những mối quan hệ không cần hiểu. Chẳng hạn, trong công việc sẽ chỉ cần hiệu quả.

Với gia đình, chúng tôi không có thói quen giận nhau, tôi luôn nhường mọi thành viên và mọi người cũng rất nương nhau mà sống. Có thể vì quá hiểu tính nhau, nên thế. Dù là người ít hoặc thậm chí không bao giờ to tiếng (càng giận tôi lại càng nói nhỏ tiếng) nhưng bất kể ai đụng đến gia đình mình, tôi đều xù lông như một con cọp. Tôi có thể quát hoặc sẵn sàng “chiến” với họ nếu làm ảnh hưởng đến người thân của mình. Tôi hay gọi đó là một kiểu hung dữ có điều kiện. Tôi thấy tính cách đó cũng chả hay ho gì và cũng mới vừa phát hiện dạo gần đây. Chán thật.

Với bạn bè, tôi cũng luôn là đứa nhường nhịn, bất kể chuyện gì, luôn sẵn sàng trong tâm thế hỗ trợ khi cần. Chả là quá hiểu nhau, nên nói câu trước là biết tẩy câu sau, hoặc thậm chí không nói gì, chỉ ở cạnh nhau vậy cũng thấy hạnh phúc rồi. Tôi hay gặp khó khăn trong vấn đề kết bạn và duy trì tình bạn đó trong 1-3 năm đầu tiên, thường tôi không chủ động tìm bạn (tôi nói rồi, tôi khá dễ gần nhưng không dễ thân), may mắn là bạn bè tự nhiên được ban cho và khiến tôi nỗ lực duy trì, gắn bó và yêu thương. Biết tôi thích cà phê và các quán ăn ngon, chúng thường ưu tiên cho tôi lựa quán hoặc tự lựa quán cho tôi mà 100% biết chắc là “Cái kiểu của mày phải vào đây”. Thông qua bạn bè, tôi thấy mình là người trọng tình nghĩa và thích kết giao với những người dễ thấu cảm. Tôi tuy ít giận, nhưng dở dở ương ương, và thường khi gom “một bụng tức tối” về tụi nó thì sẽ im lặng và chẳng bao giờ chịu xuống nước trước. Mãi sau, họ mở lời, tôi mới trải lòng. Đúng là thương bạn bè mình thiệt. Tôi cũng hỏng mấy tự hào vì tật này đâu. 

Còn trong tình yêu, tôi nghĩ ưu điểm lớn nhất của mình là KHÔNG GÌ CẢ. Tôi thất bại sau nhiều mối tình và thấy mình cũng chả có gì đặc biệt trong mối quan hệ nam nữ. Người chọn yêu tôi sẽ nhìn thấy đó là ưu, người không yêu nữa thì thấy đó là khuyết. Mọi giá trị của tôi, tôi đều nhận biết được, nhưng khi nó đi qua lăng kính của một đối tượng khác, thì tôi không rõ lắm, cũng không kiểm soát được. Đa phần tôi sẽ tự mình cảm nhận sự kết nối bằng trực giác và quan sát họ liên tục cho đến khi đạt cái ngưỡng mà tôi hay gọi là “điểm bung xõa” trong tình yêu của mình. Người đó chỉ cần trước mắt có 3 tiêu chuẩn lớn mà tôi đặt ra đó chính là: Sống có đạo đức, rộng lượng và bản lĩnh. Còn lại, tôi luôn khuyến khích mình thử cho đến khi không thể tiếp tục đi chung nữa thì thôi. Người cao lắm chắc được vài tuần sẽ out vì tôi chướng, còn người ở lại thường lại đi với tôi rất lâu trên chặng đường tình. Tôi cũng thấy khá là thú vị. 

Chỗ này bán cà phê trong ly rượu nha. 

---

Biết mình có phải là biết mình muốn làm gì không?

Tôi biết mình cũng khá sơ sài nhỉ, bạn mà biết được nhiều hơn tôi thì tốt lắm. Nếu bạn thắc mắc là bây giờ bạn cũng chưa biết mình là ai, mình như thế nào, mình muốn gì? thì bạn đừng lo: Bạn sẽ biết mình đúng lúc, khi gặp đúng người và va chạm đúng hoàn cảnh. Mà tôi hay gọi đó là các “điều kiện để biết mình”. 

Triết gia người Đức Schopenhauer cũng có nói rằng: “Con người có thể LÀM điều mình muốn, song không thể tự do MUỐN điều mình muốn”. Bạn có thể chọn làm thứ mình muốn làm, nhưng không thể tự do muốn điều đó. Cái "muốn" sẽ không đơn thuần xuất phát từ mỗi bạn. Ấy tức nói ta có quyền tự do lựa chọn ăn món mình thích, làm công việc mình muốn, cưới người mình yêu,... Tuy nhiên, trong các quyết định đó, nó đã có sẵn tập hợp những điều kiện dẫn đến ý nghĩ muốn hành động “lựa chọn” làm. “Ăn món mình thích” nhưng nó phải vừa đủ để túi tiền mình chi trả. “Làm việc mình yêu” nhưng nó phải tạo ra thu nhập tốt hoặc làm mình vui. “Cưới người mình mến” nhưng phải là người ngay thời điểm đó khiến ta cảm thấy phù hợp.

Tương tự, Thomas Shelby trong Peaky Blinder cũng có phát biểu điều tương tự mà tôi nghĩ là biên kịch cũng lấy ra từ ý tứ này “Em có thể thay đổi cái em làm nhưng không thể thay đổi cái em muốn”.

Đẹp trai vãi linh hồn trời ơi...

Quay lại khi ta nhìn đời sống này là một đời sống có điều kiện, bản chất của sự vật/hiện tượng cũng đều là tổ hợp của những điều kiện cấu thành. Bào thai hình thành khi tinh trùng gặp trứng. Xe nổ máy khi có xăng. Tình yêu chớm nở khi đối tác có những điều phù hợp,...Loại trừ điều kiện này, kết quả khác sẽ không thể diễn ra. Lấy trường hợp của mình, tôi rất thích đi Chaly, tôi hoàn toàn có thể bỏ tiền ra để mua một chiếc Chaly như ý mình, nhưng tôi lại không muốn mua vì nhiều lý do khác nhau như: Đi đâu đó vào các mall thì không thể lên dốc nổi với dung tích buồng đốt của động cơ 50cc hoặc người nhà vào Sài Gòn chơi thì xe không thể chở 2 người …. Rất nhiều lý do được tìm ra khiến tôi không còn tự do MUỐN điều mình muốn nữa. Vì thế, “Cái muốn” biết mình đơn phương nhưng không đơn thuần. Nó bao hàm nhưng lại loại trừ tất cả những gì bao hàm. Dân gian cũng hay nói vui là “Không phải cứ muốn là được”

Mặt khác, từ câu nói trên, ta còn nhận ra tự do ý chí trong thực tế là không khả thi (hoặc chỉ có mình tôi nghĩ thế). Nên đối với những cá nhân đã biết mình muốn làm gì, cũng là chưa đủ để thấy chính mình. Họ vẫn còn mắc kẹt trong những điều kiện tạo ra cái muốn làm kia. Biết mình muốn làm gì tưởng bao quát nhưng đầy cũng hạn hẹp, co cụm, phụ thuộc. Biết mình muốn làm gì đa phần được nhận thấy như một hoạt động nhận thức thuần túy của hệ thần kinh (dưới sự tác động của nhiều yếu tố ). Hoạt động nhận thức đó hội tủ đủ 3 điều chính:

  • Một tác nhân kích thích (Hình ảnh, âm thanh, mùi vị, hoặc chạm vào vật gì đó,…)
  • Một giác quan đề phát hiện đối tượng trên
  • Một loạt các chu kỳ phản ứng thần kinh trong não bộ để điều phối và làm cho những tín hiệu nhận được từ giác quan trở nên có ý nghĩa.

3 yếu tố này sẽ kích hoạt và tạo ra một tiến trình nhận thức, dẫn đến hành động giúp ta đạt được thứ chúng ta muốn bằng một cách nào đó (cả tốt đẹp lẫn hỏng hại). Biết mình ở mức này là dễ dàng nhận thấy nhất trong đời sống con người. Nó không xấu, không đẹp, không đúng cũng chẳng sai (Miễn không làm gì vô nhân tính với đồng loại là được). Sẽ thật may mắn khi ta được biết mình thông qua ít nhất một ý niệm nào đó trong chí hướng để tránh lao vào cuộc sống tung tẩy vô ích và tìm ra một cách thực hành hiệu quả trong điều kiện cho phép. Cuộc sống mỗi ngày vận hành như vậy, nên tuy biết mình muốn làm gì không hẳn là biết mình, nhưng thông qua các ý nghĩ và kết quả đạt được sau cùng, tự nó sẽ thôi thúc bạn tìm về chính mình.

---

Tôi tin rằng tâm trí ta có tất cả dữ liệu và chúng không hề bị ràng buộc bởi thời gian (Chỉ có thể xác là thế). Tâm trí ta biết mọi thứ về đời ta, khi gặp đúng “điều kiện biết mình”, chúng sẽ dạy bạn biết chính bạn. Hãy sống mà đừng suy tư quá nhiều, với tâm trí, cuộc sống này của bạn là một kịch bản đã hoàn thành rồi.

Với tôi biết mình còn là một chuyến hành trình để tận hưởng, biết mình không phải là đích đến (nếu ta không đủ khả năng). Có người muốn đắc đạo, muốn tích lũy 10 tỷ, muốn có vợ đẹp, con xinh,…. nhưng tôi có nói bên trên: Đâu phải cứ “muốn” là được. Trên hành trình đó, ta cứ ung dung vừa sống vừa trải nghiệm cái mới và biết buông cái ta cho là "kinh nghiệm" đúng lúc để học hỏi, tiếp nhận cũng là hết sức mình rồi. Còn lại hãy trông vào phước báu, “có đức mặc sức mà ăn”. Hihihi.

Hỏng biết mình cũng hỏng có sao. 

Hỏng biết mình do chưa biết, mà chưa biết thì từ từ biết. Chẳng vội. Vội mới hỏng. Hỏng biết mình, hỏng có hỏng. 

Cứ va vào cuộc đời rồi tóe lửa cho tôi, tới đúng lúc, ta cũng sẽ tự thấy cái biết hoặc tự biết cái thấy

Hỏng sợ gì hết. Nha.