"Thương cho người, rồi lạnh lùng riêng"

Thumbnail of the post "Thương cho người, rồi lạnh lùng riêng"

“Tình cảnh của chúng ta trên Trái Đất này thật lạ. Mọi người tạm có mặt ở đây không tự nguyện mà cũng chẳng được mời, chẳng biết vì sao và thế nào . Chúng ta chỉ thấy từ cuộc sống mỗi ngày, rằng chúng ta sống ở đây vì người khác - vì những ai mà chúng ta yêu và vì nhiều người khác có số phận phải gắn bó với chúng ta”

Khi bắt đầu tăng giờ thiền và các biến kinh chú, tôi bắt đầu cảm nhận được rõ rệt những chuyển biến trong tâm trí. Những lời dạy ngẫu nhiên đến với tôi bằng việc tự mình nghe thấy, cảm thấy hoặc bình thường hơn là thông qua các bộ phim tôi được thôi thúc xem dạo gần đây. Bạn đừng hoảng loạn vì tưởng tôi bị điên, vì chuyện trực giác nhạy nhảu và khả năng “nghe” trong siêu thức của tôi nhé. It’s okay. Tôi phát hiện được khả năng này chắc được khoảng 4 năm hoặc hơn, nếu có dịp, tôi sẽ kể cho các bạn nghe về sự kiện ngày tôi bắt đầu biết mình có khả năng cảm nhận được năng lượng và gốc gác gia đình tâm linh của mình. Trong khuôn khổ bài viết, chúng ta sẽ chỉ nói về thông điệp mà tôi muốn truyền tải thông qua 2 bộ phim mà tôi được dẫn dắt xem để tăng thêm luận cứ cho các luận điểm của tôi về tình yêu (theo nghĩa rộng) 

---

It’s okay, that’s love - Okey mà, tình yêu nó vậy đó 

(Hay còn gọi là: Chỉ có thể là yêu).

Bộ phim đặt vấn đề về tình yêu nam nữ trong xã hội với những tuyến nhân vật và tình huống lạ lùng một cách kì quái và được xây dựng trên sợi dây liên kết giữa các bác sĩ tâm lý - bệnh nhân - gia đình bệnh nhân và xã hội, để từ đó, nói nhiều hơn về tình yêu giữa con người với con người trong cõi nhân sinh. It’s okay, that’s love đã chứng minh giá trị nội dung của bộ phim có sự tác động mạnh mẽ đến công chúng và góp tiếng nói đến cộng đồng bệnh nhân mắc các chứng bệnh tâm lý thông qua rating, giải thưởng và sự công nhận của fan hâm mộ trên toàn thế giới thời điểm bấy giờ. Một khúc khải hoàn nhẹ nhàng, thâm thúy và đúng trọng tâm.

---

It's okay, that's love phê phán nguyên tắc gây khá nhiều trở ngại cho sự kết nối tâm hồn giữa người với người đó chính là nguyên tắc đồng nhất. Ta cho là họ phải giống ta, và ta hoặc ít nhất cũng phải giống họ. Con người hay gặp khó khăn trong việc chấp nhận người khác, khác biệt với chính mình. nên chúng ta cho rằng họ sai, đơn giản vì họ khác biệt. Dấu hiệu nhận biết rõ nét tư tưởng đó thường thể hiện qua những lời phán xét. Ví dụ: Cô ta thật xấu, anh ấy thật ích kỷ, bà ta là kẻ hay soi mói,....Bây giờ nếu chúng ta nhìn thật kỹ những tính từ: xấu - ích kỷ - soi mói, bản thân mỗi từ đó cũng mang trong mình nghĩa phản đề (cho cái chính đề ta đang đề cập) là đẹp - rộng lượng - không soi mói. 

Chúng ta chỉ chấp nhận những lời phán xét và cho rằng “chính đề” bản thân nêu ra là chân lý, là đúng đắn. Đáng buồn thay, khi nhận thức của con người chỉ biết được hiện tượng bề ngoài mà không thâm nhập vào bản chất đích thực của sự vật cũng như không thể phán xét được gì về sự tự tồn tại của nó. Đạo Phật còn gọi đó là vướng vào cái nhìn vô tướng. Sẽ có ích hơn nếu ta dùng sự thuận lợi trong lập luận chính đề-phản đề này, nâng nó lên thành tư duy tổng quan hóa hình thái để không bị mắc kẹt vào nhận thức lên bản chất của một sự việc, để PHÁN XÉT, hoặc CHỈ TRÍCH. Tại sao cô ấy xấu, vậy đẹp sẽ như thế nào, tiêu chuẩn nào để cô ấy được xem là một người phụ nữ đẹp. Nếu đẹp trong mắt ta, liệu trong mắt cô ấy và những người yêu thương có còn đẹp không? Đại khái, câu hỏi ta cần tự hỏi mình và tự trả lời như vậy.

---

Bệnh nhân nam đầu tiên mở ra chuỗi hội thoại nối dài về việc “kinh tởm” làm sao khi một cậu bé vị thành niên suốt ngày nhìn vào những người phụ nữ khác và vẽ về bộ phận sinh dục của họ một cách thật lớn. Các bác sĩ đều “sợ hãi” và xem bệnh nhân này là một mối nguy hiểm tiềm tàng. Tranh của cậu “Người có đầu và tay chân rất nhỏ, nhưng bộ phận sinh dục lại lớn một cách bất thường”. Ở bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân tâm lý, vẫn đầy rẫy những sự phán xét và thậm chí, nữ bác sĩ chính cũng chỉ tìm được cho mình “ánh sáng hội chẩn” ca bệnh này thông qua một nhà văn rằng “Có gì bất thường đâu”

Tiếp đó, câu chuyện của một người phụ nữ chịu tổn thương tâm lý vì xu hướng BDSM trong quan hệ với chồng, cũng được phân tích là lỗi từ đâu, người chồng hay chính cô mới là người bị bệnh. Qua buổi trò chuyện, bộ phim cũng đưa ra thông điệp nhẹ nhàng rằng: Xu hướng đó miễn được sự đồng thuận của đối phương, thì không có gì cả tội lỗi cả, bất kể địa điểm quan hệ hoặc có sử dụng “công cụ” hay không? Nếu xảy ra điều kiện bắt ép từ một chiều, thì người còn lại chắc chắn sẽ là kẻ biến thái.

Đây chỉ là hai trong số câu chuyện tâm lý nhỏ trong 3 tập đầu, đủ sức đánh bại bất kỳ tâm hồn cứng nhắc nào phải dập laptop và đóng ngay “cửa sổ” phim đang trình chiếu, nếu không đủ mở lòng và thấu cảm. 

Bên cạnh đó, phim còn nhấn mạnh quan điểm: Chúng ta ai cũng đều là con người. Mà con người thì không ai là hoàn hảo. Đặc biệt là những người mắc những chứng bệnh về tâm lý. Mỗi người luôn có những góc khuất không thể tỏ bày, các “chôn giấu” lặng lẽ theo ta từ tuổi thơ cho đến khi lớn lên, dần dần hình thành hành vi và tính cách của mỗi NGƯỜI. Ta nào có biết ứng xử phù hợp nếu không va chạm hoặc vấp ngã. Tìm hiểu ra, tôi mới chợt biết 80% dân số trên thế giới mỗi ngày đều trải qua những chứng bệnh tâm lý từ nặng đến nhẹ và bộ phim ra đời, đã xuất sắc dựng lên bối cảnh mà tất cả các nhân vật xuất hiện đều có những góc khuất hay bệnh trạng về tâm lý như để chúng ta tìm thấy đâu đó bản thân mình cũng đã từng không hoàn hảo như vậy. 

“Có người sống đến gần 40 tuổi vẫn chỉ là "đứa trẻ đầu bạc", gai góc đến đáng sợ nhưng lại mang tâm tính của cậu nhóc bị rối loạn hành vi, mãi chưa chịu trưởng thành.

Có người mới 16 tuổi đã đóng cửa cõi lòng mình, lớn lên vẻ ngoài hoàn hảo nhưng sâu bên trong nứt toác với những dằn vặt tự trách và bí mật.

Có người ích kỷ vì bị tổn thương, nhưng rồi cũng lấy sự tổn thương làm lý do mà ích kỷ.

Có người tưởng như yếu đuối cần che chở, lúc cần thiết lại rất kiên cường.

Có người ngoại tình vì không thoả mãn trong tình yêu.

Có người chưa bao giờ hết yêu nhưng lại không thể cùng nhau chung bước.

Có người lựa chọn đầu hàng số phận, có người lại cố hết sức để vượt qua khó khăn.”

Từng là một bệnh nhân của chứng bệnh tâm lý thời đại: Rối loạn lo âu/Rối loạn hoảng sợ, tôi đã bị coi thường là người yếu đuối khi ngồi trên công ty mà khóc huhu như thể bị ai đuổi đánh. Kì lắm, tôi đâu có muốn mình như vậy. Bởi vậy nên nó mới gọi là Rối loạn. Tim đập thì nhanh đến mức muốn bắn ra khỏi lồng ngực và tay thì run mạnh mẽ. Bạn biết không, mỗi khi cơn rối loạn ập tới, nó nhanh và kinh khủng tới mức tôi chỉ muốn nắm lấy mọi người xung quanh để hỏi là: Anh ơi/chị ơi/ em đang bị như vậy, em không được bình thường rồi, giờ làm sao em quay trở lại cuộc sống bình thường đây. Cứu em với. 24h mỗi ngày trôi qua, tôi đều bị chìm trong một thế giới khác, một nơi tâm trí tôi không còn làm chủ cảm xúc và suy nghĩ của mình. Cơn rối loạn như một con quái vật luôn trong tư thế nuốt chửng người bệnh. Đáng thương thay, nó lại do chính tôi sinh ra. Nếu căm ghét nó, phẫn nộ và đánh đập nó thì tôi đau chung. Nó chỉ được hóa giải bằng tình yêu và sự tha thứ. Và rồi, một người chị đồng nghiệp đã đến và gieo tình yêu lên tôi bằng câu nói: "Hy đừng lo, chị sẽ cầu nguyện cho em, rồi Hy sẽ khỏi thôi, Hy yên tâm, đừng khóc nữa nhé." 

Lần đầu tiên sau nhiều ngày khóc dài, tôi bắt đầu dừng khóc. Tôi biết, ngoài gia đình mình, xã hội đã có 1 người thấu hiểu cho tôi.

Chị theo Tin Lành, còn tôi đạo Phật. Nhưng tôi hiểu vì sao người con của Chúa này lại đến và trao cho tôi lời hứa đó. Vì với tôi, nếu Đức Phật là người khai sáng cho con người trần thế của người đời sống tỉnh thức, thì Chúa chính là tình yêu. Trong chừng mực hiểu đạo sơ khai, Chúa tượng trưng cho một tình yêu vô bờ bến với con người. Chừng nào con người còn tin và nương nhờ vào Chúa, khi đó, họ vẫn còn được che chở. Trong phút chốc, mọi chuyện trên thế gian, ranh giới giữa các đạo bỗng chốc xóa mờ, chỉ còn lại sự nương tựa lẫn nhau giữa con người và con người. Tôi còn nhớ trước sự kiện này, tuy tôi không phải người theo đạo Thiên Chúa, nhưng trong lòng vẫn luôn ngưỡng mộ lãnh đạo tâm linh của mọi tôn giáo, và hiển nhiên, trong đó có Người. Có phải vì lẽ đó, mà tôi nhận được sự yêu thương theo cách này không? 

(Nếu chị có đọc được bài viết này, xin gửi đến chị Miên Ân yêu quý của em, một lời biết ơn từ tận đáy lòng)

Như nhân vật Hae Soo trong phim, dẫu bản thân mình vẫn mắc bệnh, nhưng mỗi ngày vẫn thắp nến và cầu nguyện cho người bạn mắc chứng Tâm thần phân liệt đang mang thai của mình. 

Nhưng trọng điểm chính của bộ phim không phải bi kịch của họ, mà là cách họ tự dùng ý chí của chính mình để vượt qua và dùng tình yêu chữa lành cho nhau. Như tôi có nói về vấn đề này một lần trong bài viết Tình yêu, rằng trong nhiều tình huống, chỉ tình yêu thôi là không đủ. Đối với những bệnh nhân tâm lý, nếu không có ý chí, bác sĩ và người thân có nỗ lực cách mấy cũng không thể nào cứu vãn bệnh trạng. Nếu không có ý chí được quay trở về cuộc sống bình thường, tôi có thể đã mãi mãi chìm trong cơn rối loạn của riêng mình. Tôi nhận ra, điều kiện để có ý chí đó, là sự nhận thức của bản thân về “thế giới cũ” của mình rất đẹp. Tôi khao khát được “quay về”, bởi trái tim lúc đó đã nhận cuộc sống đó của mình là một món quà. 

Thiệt thòi hơn, trong rất nhiều trường hợp tôi biết được, những người trẻ lựa chọn “tiêu cực” cho cuộc đời trong cơn rối loạn vì họ nhìn về cuộc sống cũ và không thấy chút ánh sáng nào trong đó. Mỗi ngày trôi qua với các bệnh nhân “thiếu điều kiện” hạnh phúc trong cuộc sống, giống như người đi trên dây thừng. Nếu không giữ thăng bằng tốt, họ có thể té ngã, bất kỳ lúc nào. 

Họ biết bản thân họ bất bình thường, họ muốn được trở lại cuộc sống cũ, tuy nhiên, ngay lúc đó, bản thân về cơ bản là không để tự làm điều mình muốn được, dù cố gắng đến cỡ nào. Một kiểu năng lượng được sản sinh ra bằng cách nào đó đã nuốt chửng lấy toàn bộ sự điều khiển từng hành động và suy nghĩ, khiến người bệnh hoàn toàn bất lực trước hoàn cảnh.

Nếu "tình yêu" không đến kịp, chúng ta sẽ mất đi họ vĩnh viễn.

“Bạn không yếu đuối vì bạn là người yêu nhiều hơn. Bạn yếu đuối vì bạn đã không sống trọn khoảnh khắc với trái tim của mình: Tôi yêu cô ấy, tôi rất hạnh phúc, nó rất là okay”

Tình yêu đối với tình huống này, không chỉ còn là cái ôm, cái vỗ về nữa, mà nó còn phải đem lại khao khát sống, ý chí muốn được sống trong cuộc đời. Linh hồn số 22 trong “Soul” có đầy đủ mọi yếu tố để được “đầu thai” về kiếp người, nhưng cô cương quyết từ chối vì bản thân không biết “Xuống dưới đó để làm gì? 22 không cảm thấy mình có cảm hứng sống, cô từ chối nhận ra tinh hỏa - mảnh ghép cuối cùng của chiếc vé thông hành về lại trái đất. Cho đến khi vô tình rơi xuống trần gian cùng thân phận của nhân vật chính, 22 đã nhận ra, mình đã bỏ lỡ quá nhiều khoảnh khắc. Các khoảnh khắc lần lượt ập đến tạo ra trong 22 một “cảm hứng sống” - cảm giác mãnh liệt muốn được sống. Như thể ta có thể tạo ra ý chí cho người bệnh bằng cách cho họ trải nghiệm thật nhiều điều giúp mang ý chí họ quay trở lại. 

Hành trình đánh thức sự sống ngủ quên trong lòng mỗi bệnh nhân mắc bệnh tâm lý nặng vô cùng quan trọng. Nhưng tôi tin sự thành tâm và nỗ lực của người thân và xã hội sẽ giúp rút ngắn thời gian đưa người bệnh đó trở lại cuộc sống bình thường.

Dần dần, con người đều có thể vượt qua bóng tối tâm hồn - nơi cất sâu nỗi đau của mình và nắm lấy tay những người trao cho ta tình yêu, bước về phía ánh sáng. 

“Vì sao cố nói mới là yêu”. 

Chỉ vì là “Chuyến đi dài mãi không bờ bến dừng” nên “Chợt thấy em vui hơn” 

Thế là chúng ta đi cùng nhau. Con người sẽ đi cùng nhau. Chấp nhận sự khác biệt của nhau, nâng ý chí và dùng tình yêu vỗ về nỗi khổ niềm đau trong nhau qua đi mau.

Mọi thứ rồi sẽ Okay thôi. Tình yêu là vậy đó, nó chữa lành mọi thứ.  TẤT CẢ.

----

The Break-up - Cuộc tan vỡ

Sau khi nhận diện tình yêu giữa con người rộng lớn tới nhường nào, tôi lại được dịp xem tiếp một bộ phim từ 2006: The Break-up để thấy được chiều ngược lại của tình yêu: Trông nhỏ nhoi và thoi thóp ra sao đối với phạm trù đôi lứa. 

Trong phim, có vài phân đoạn, Cô Brooke mắng anh Gary mà tôi cứ ngỡ là mình đang đứng đó. 

Chúng tôi nói “hoa” chỉ là ví dụ mà thôi. Hihi.

Khi nhà có tiệc, Brooke cần Gary mua cho cô ấy 12 quả chanh để trang trí, nhưng anh chỉ mang về 3 quả và bảo rằng từng ấy là đủ rồi. Tất nhiên, cô ấy nổi giận. Tôi ngoài đời cũng vậy. Chỉ có những cô nàng trong cuộc sẽ hiểu tôi đang nói gì. Right? Tôi nhớ có ngày sinh nhật gần đây, nyc hỏi tôi thích hoa gì nhất, tôi bảo là hoa hồng, nhưng phải là hoa hồng có màu thật đặc biệt như xanh dương hoặc xanh lá ấy. Thế là tối đó anh mua về tặng tôi bó bông ly, với lý do vì bình thường hoa này rất đắt, thế là nhân dịp sinh nhật tôi, anh muốn dành thứ thật đắt đỏ cho tôi. Người bình thường sẽ bảo như thế thật là tốt đẹp, nhưng tôi lại thẳng tính và vì hụt hẫng, thế là nổi giận với người yêu mình (xấu tính thật). Cũng sẽ không có lý do nào cụ thể cho cơn giận, như chuyện 3 trái chanh và 12 trái chanh hay chuyện bông ly và bông hồng bên trên, chẳng qua vì rằng các nhân vật trong hai câu chuyện trên đều có riêng trong mình sự “ích kỷ”, đều nghĩ đến suy tư của mình trước khi đặt mình là đối phương để thấu hiểu vấn đề. 

Chúng ta “ích kỷ” vì mỗi người đều muốn thỏa mãn suy nghĩ của mình, và khi đối phương không thể đáp ứng nhu cầu thấu hiểu đó, tranh cãi diễn ra. Rồi rạn vỡ bắt đầu tiến trình làm việc của nó để tách chia hai cá nhân không yêu thương nhau trọn vẹn từ từ, ... chậm rãi

Ý tưởng trang trí 12 trái chanh đã có sẵn trong Brooke và Gary chỉ nghĩ rằng mua chi chanh cho lắm, xong chỉ mang về 3 trái, thậm chí lúc cãi nhau, Gary còn bảo nếu biết anh và em sẽ lớn tiếng về việc này, anh đã mua cho em những 24 trái chanh hoặc cả một bao chanh để không có vấn đề này xảy ra. Tương tự, bông ly đắt thật, nhưng giá như lúc đó bạn tôi cảm nhận được tôi sẽ vui như thế nào khi nhận được bó hoa yêu thích của mình, chứ không phải là một thứ đắt về diện giá trị và với tôi chỉ đáng giá bằng “tấm lòng nhỏ hẹp” của người tặng. Và tôi cũng cảm thấy hạnh phúc vì bó hoa ly chứa suy nghĩ sâu xa của người tặng, chứ không phải là sự cau có. 

Chúng ta thích yêu theo cách của mình và nghĩ điều đó là đúng, là đã dốc cạn tâm sức để yêu, nhưng đối phương không thấu hiểu. Chúng ta quên mất, tình yêu không vận hành trong hành lý suy tư ta mà nó nằm trong cảm nhận của người đồng hành. Điều trái tim họ nói về ta, mới là sự phóng chiếu của ta lên họ (Hay nói cách khách là: Ta trong mắt họ). Chúng ta muốn điều đó, nhưng họ liệu có muốn. Đặc biệt, đối với những thứ ta làm cho họ, ta gần như phải đặt ta là họ đến 90%. Nếu hỏi tôi điều này khó không, tôi sẽ bảo là không, nó chỉ tốn thời gian và công sức thôi. Cuộc hành chinh tiến vào trái tim người phụ nữ được triển khai, áp dụng liên tục và mạnh mẽ bởi các quý ông lịch lãm diễn ra đều đặn vào thời gian đầu mới yêu. Và buồn cười là, thời gian sẽ là kẻ lột xuống tất cả các lớp “áo giáp” rởm nếu anh ta ngụy tạo bản chất.

Và trong khi Brooke vẫn đang bận rộn với việc chuẩn bị bữa tối, Gary muốn nằm trên ghế dài và xem TV trước khi khách đến. Cô ấy yêu cầu anh ấy giúp đỡ sắp xếp bàn ăn, và anh ấy cố gắng tránh xa việc không làm điều đó bằng cách lập luận “Bạn làm tốt hơn tôi”. Trong cuộc đời, tôi nghe câu “Em làm tốt hơn anh” nhiều lần lắm, nhưng thật sự là tôi không giận hay trách gì đâu, chỉ là tình tiết phim này làm tôi nhớ đến câu nói tôi được nghe nhiều, đến mức tự động làm những việc “Tôi làm tốt” mà không ca thán, thỉnh thoảng cũng có trách, nhưng vẫn nghĩ đó là việc của mình. Tôi có đáng thương quá không? Tôi từng nghĩ mình làm việc đó tốt hơn mọi người thật đấy. Nhưng làm tốt, không có nghĩa là tôi muốn làm (một mình).

Brooke muốn Gary cùng nấu ăn. Cô ấy muốn anh ấy muốn đưa cô ấy đi xem ba lê, mặc dù anh ấy ghét ba lê. Gary thẳng thừng từ chối Brooke vì anh ấy thấy những buổi biểu diễn ba lê là vớ vẩn. Thêm một vấn đề chung của tôi và Brooke lại nằm ở đây. Nếu của Brooke thích ba lê, thì tôi mê nhạc sống lắm. Thường là những buổi hòa nhạc vào sáng chủ nhật hàng tuần tại Nhà hát thành phố hoặc những show biểu diễn của ca sĩ yêu thích. Nhưng đối phương của tôi thường là người không thích. Tôi luôn tôn trọng mọi quyết định và quyền tự do cá nhân của người yêu mình và đi xem chúng một mình, tận hưởng nó như một cô nàng “độc thân” lập dị-bất đắc dĩ. Mọi người thấy vậy hay xót xa cho tôi, nhưng tôi chưa bao giờ mảy may nghĩ đó là một điểm yếu chết tiệt của mối quan hệ của mình. Mãi sau này nhìn lại, thì thấy mình sai rồi.

Quan trọng không phải là ba lê, hòa nhạc hay show biểu diễn nhạc sống, mà là “Anh có muốn đến nơi hạnh phúc của em cùng em không?”. 

Khi Brooke đạt đến điểm tan vỡ, cô ấy nói với anh ấy: “Toàn bộ mối quan hệ của chúng ta, em đã cố gắng tốt nhất tất cả vì anh, vì chúng ta. Ý em là, em đã nấu ăn, em đã nhặt đồ của anh trên sàn nhà, em đã gấp quần áo của anh cho anh như thể anh mới bốn tuổi. Em luôn đứng đằng sau hỗ trợ anh. Nếu chúng ta ăn tối, hay bất cứ điều gì, phần lớn em đều là người lên kế hoạch, em lo liệu mọi thứ, và em không cảm thấy anh đánh giá cao điều đó. Em không cảm thấy anh đánh giá cao em ”.

"Tại sao em không chỉ nói điều đó với anh?"

"Gary, em đã thử."

"Không bao giờ như vậy." Gary phản đối. "Anh không phải là người đọc được tâm trí."

Và đó là, cuộc chiến lao động đầy cảm xúc nói một cách ngắn gọn: Cô ấy ước anh ấy sẽ chú ý đến mọi thứ thường xuyên hơn, anh ấy ngạc nhiên vì không hiểu sao cô ấy buồn đến vậy, đặc biệt là vì mọi thứ dường như đang diễn ra tốt đẹp cho đến thời điểm cô ấy nổ tung và "hành động điên rồ”. Cô đã thả những gợi ý trong nhiều tháng, và anh lại chẳng biết gì. Cô ấy cảm thấy cô ấy đã hỏi điều tương tự khoảng một triệu lần, anh ấy cảm thấy cô ấy mong anh ấy đọc được suy nghĩ của cô ấy. Tuy nhiên, khi Gary quyết định cố gắng cho cô ấy thấy rằng anh ấy quan tâm, thì đã quá muộn. Những vỡ vụn đã không thể hàn gắn nổi. Nội thương không thể chữa bằng hành động bên ngoài, sự hối lỗi chân thành vẫn không thể khiến trái tim kia ngừng rỉ máu khi nó đã bị rách toạc

Các chi tiết chính xác của mọi mối quan hệ có thể khác nhau, nhưng hình dạng tổng thể thì lại giống hoàn toàn. Kết cục là, người phụ nữ cảm thấy không được đánh giá cao và bị coi là đương nhiên còn người đàn ông cảm thấy không đủ năng lực. Đây có lẽ là lý do tại sao The Break-up không phải là một bộ phim tuyệt vời để xem, bởi vì nó mang đến cho bạn một cuộc chiến của một cặp đôi thực sự mà không có thời gian nghỉ ngơi của thể lọai phim hài-lãng mạn. 

Khi xem, bạn có thể chọn về phía của Brooke hoặc Gary, nhưng đáng buồn là không trong số họ là người thắng cả. Vì cả hai đều đang thua.

Câu này là tôi nói hơi bị nhiều luôn.

Xem phim, tôi như người ngoài cuộc, dạo chơi trong câu chuyện mình đã trải qua. Lặng lẽ nghĩ về tương lai. Phút chốc thấy, tình yêu đôi lứa như một áng mây chiều. Phút trước còn đỏ hỏn, nhưng phút sau đã xém ngoét. Chuyện ngoại tình thì đau đớn, còn chuyện nội tình lại đau xót. Viết xong cũng không biết khuyên các bạn như thế nào, nên thôi lặng lẽ xem lại một vài phân đoạn để cắt hình mô tả cho bài viết và nhường lại sự cảm nhận cho mọi người.

Cuối bài, tôi muốn trích một đoạn trong bài viết của linh mục Nguyễn Tầm Thường, tôi vừa được đọc sáng nay, tại nghĩ mãi đêm qua cái kết cho bài này mà chưa ra, thì ra, Thượng đế cho tôi ngủ một giấc rồi dậy tìm thấy cái kết về tình yêu sau khi bắt tôi nhìn thấy vấn đề của chính mình. Tôi để lại bên dưới, mọi người cùng xem qua nhé:

“Có những con đường phải đi một mình.

Có những con đường không thể một mình đi

Có những con người.

Có những con đường.

--

Hai con lừa xuống núi.

Một con yếu quá, xin con kia chở giúp.

Con kia không chịu.

Nửa đường, con lừa nọ đuối sức, rồi chết.

Bao nhiêu gánh nặng của con lừa chết, người quản gia chất hết lên lưng con lừa kia.

Bấy giờ nó hiểu về những con đường đi một mình.

Có những con người.

Có những con đường.

--

Người lữ hành thứ nhất ngã ngã trong cơn bão tuyết.

Người thứ hai đi ngang qua. Cúi nhìn, bỏ đi.

Người thứ ba vác kẻ xấu số, cố chống tuyết ôm nhau đi.

Gần đến ngôi làng. Người ta thấy xác của người thứ hai chết bên đường.

Tuyết ngừng thổi, cũng là lúc người thứ ba cõng được người lữ hành thứ nhất đến nơi.

Trong cái chết hoang vu kia, có tiếng than thở của tuyết :

- Chúng tôi là thần tuyết. Cái chết không bí ẩn vì giá lạnh, nhưng nằm kín trong tim con người.

Nếu gã lữ hành thứ hai vác kẻ xấu số, đời ông ta đã không xấu số.

- Người lữ hành thứ ba, bấy giờ mới biết nhờ vác kẻ xấu số ngã bên đường, mà sức nóng của họ truyền sang nhau, cả hai sống sót đến được ngôi làng.

- Bấy giờ ông hiểu có có những con đường không thể một mình đi.

Có những con đường.

Có những con người.

--

Đường đi một mình vì có những quãng đời chỉ có mình, mình đi.

Đường đi một mình vì có những quãng đời không ai muốn đi với mình, mình vẫn phải đi.

Đường đi một mình vì có những quãng đời một mình chấp nhận không thể đi một mình.

Đường đi một mình vì có những quãng đời người khác đi chung với mình, nhưng mỗi người vẫn có đường đời của riêng nhau

Có những con người.

Có những con đường.” 

Đúng là "Thương cho người, rồi lạnh lùng riêng”.