Rồi sao nữa

Thumbnail of the post Rồi sao nữa

Em hay tự hỏi chính mình: Nếu bây giờ, em có tất cả mọi thứ trên thế gian mà em muốn, thì RỒI SAO NỮA.

Một cuối tuần sáng tươi, nắng đẹp, em có hẹn với người bạn và cậu bạn của người bạn đó. Cậu bé sinh năm 96, nhỏ hơn em một tuổi, nhưng đã vận hành một xưởng sản xuất cho dòng sản phẩm nào đó (mà em không nhớ), đồng thời mở thêm một quán pub nho nhỏ ở Buôn Mê Thuộc (hoặc một tỉnh nào đó ở Tây Nguyên mà em cũng không nhớ nốt). Em thấy cậu giỏi quá, lại trêu, thế này thì sự nghiệp cưng vững rồi nhỉ, rồi sao nữa ta, cưng sẽ lấy vợ đúng không? Sau đó, cưng sẽ sinh con, nuôi con và tới già, cưng …. cưng ... cưng

Một chuỗi sự kiện của đời sống của người trưởng thành được em khơi bày ra trước mắt cậu nhằm để khiêu khích. (vâng, đó là một thói xấu khó bỏ, Em biết). Nhưng đúng là cậu cũng bối rối, trước viễn cảnh quen thuộc mà ai cũng thấy nó đang lẩn quẩn trong xã hội. Nói một hồi, cậu bé hỏi Em ở nhà nói chuyện với chồng/người yêu kiểu vầy, gia đình chị chén dĩa có bay tung tóe không? 

Em hút ly bạc xỉu cái rột, không trả lời.

---

Em sợ nhất mấy người thành đạt, bận vest bảnh bao, giày Tây bóng lưỡng hoặc bận những bộ đầm váy chỉn chu lả lướt; hệt như cái cách em sợ mình sẽ thành công quá sớm lúc trẻ tuổi vậy. Dù em chưa.

Nếu hiểu em nhiều hơn, chắc anh cũng sẽ biết Rồi sao nữa còn là tư thế sống của em, nó không đơn thuần là một câu nói bố đời, vô tội vạ. Nó chỉ là em đang đi tìm sự hạnh phúc và ý nghĩa đằng sau sự thành công của mỗi người. Em muốn biết, sau cùng tận của mọi điều con người đang chạy theo, rốt cuộc, nó là cái quái gì? Và khi em bóc tách ra, từng lớp, từng lớp một, em bắt đầu thấy vô nghĩa, vô nghĩa, toàn vô nghĩa. 

Em bắt đầu ngưng hỏi. 

Em nghĩ mình sẽ tổng hợp được đủ điều mình cần khi đến lúc. 

Top of the world...but I'm lonely

Em dùng cái đầu giải quyết công việc nhiều đến nỗi em đã quen với việc dùng nó vào xử lý hầu hết các vấn đề khác (kể cả tình cảm). Em chỉ là không thừa nhận tật xấu này, chứ sao em lại không biết “mặt” nó cơ chứ. Đó là một thói quen không tốt - thói quen dùng lí trí để phân tích mọi việc là một hệ quả kéo theo, mà em đang phải quan sát, theo dõi để thỏa hiệp hoặc không. Nó hay làm người khác dễ nhầm em sống lý trí, thậm chí đến đôi khi em còn nhầm em như thế. Nhưng giờ, em biết nó không phải vậy. 

Em chỉ không trách nó giống như ta không trách Bác sĩ phẫu thuật là những kẻ lạnh lùng vì đã quen cắt xẻ, nhân viên sale mánh khóe để cố gắng chốt deal, luật sư thích nói lý lẽ, nghệ sĩ dễ hành động theo cảm xúc,...Em không trách được, vì em cũng bị cuốn vào một phần phạm trù đó. 

Em không thể deal một cái hợp đồng không có lợi cho công ty hoặc chấp nhận thua thiệt trước bất kỳ buổi bidding nào. Đặc thù nghề nghiệp đối với một người trưởng thành cũng giống như một chiếc khuôn họ buộc phải bước vào và uốn nắn mình phù hợp để được theo đuổi thứ mình muốn. Vô hình chung, em và tất cả mọi người đều đang phải chịu ảnh hưởng. 

Một số người nhận thấy và chọn bước ra khỏi cái khuôn đó vẫn sẽ phải bước vào một cái khuôn dạng khác, để làm nghề kiếm sống. Ngoại trừ những thầy tu, em cũng chưa từng thấy ai có thể thoát ra cái bóng giả tưởng của xu hướng thực hành nghề nghiệp vận lên cơ thể mình. Trừ khi họ ngừng kiếm sống.

Nhiều năm trước em còn muốn tìm ra câu trả lời cho chính mình với thắc mắc: “Tiếng nói” từ trái tim hay bộ não quan trọng hơn? Em bắt đầu từ việc tìm hiểu trong quá trình hình thành bào thai, để xem thử trái tim hay bộ não con người có trước

Em cũng dễ dàng tìm thấy hàng triệu tài liệu ngoài kia chứng minh rằng TRÁI TIM của một em bé đã xuất hiện TRƯỚC KHI bộ não hình thành ở tuần thai thứ 6. 

Quy luật tự nhiên không thể “nói dối”

Em phải thừa nhận tạo hóa ban cho con người trái tim trước. 

Bộ não chỉ là kẻ đến sau - có nhiệm vụ thu thập thông tin và phân tích giúp ta ra quyết định. 

Trái tim là “kẻ” biết tất cả mọi chuyện cho dù mọi quyết định được đưa ra có dựa vào nó HAY KHÔNG. 

Mọi sự vật bắt đầu “có vấn đề” khi ta bắt đầu đặt cảm xúc của mình vào đó.

Vậy mà con người hay đi ngược với tạo hóa bằng cách DỐI LÒNG. 

Em phát hiện những người dối lòng là những kẻ có rất nhiều nỗi sợ và đầy rẫy tổn thương. Họ không có đủ can đảm để nói lên sự thật, đối diện với sự thật, đặc biệt có sở thích chạy trốn như một tên hèn. Và điều họ sợ nhất, chính là nói THẬT điều cần nói cho người cần nghe. Họ chọn nói dối vì sợ làm tổn thương người khác, làm người khác buồn, vì quen miệng. Hoặc chỉ vì nghĩ cho bản thân (Em không có ý phán xét, em chỉ nói điều mình thấy). 

Tương tự nói dối, hành dộng gian dối cũng có mục đích như vậy. Mà phàm thì có chuyện gì dối gian mà không bị phát hiện đâu. Nếu đó là một mấu chốt cần phải diễn ra để đánh dấu sự “tỉnh giấc” cần thiết trong sự phát triển của một cá nhân, nó sẽ càng được phát hiện nhanh chóng. Vì thực tế có những lời nói dối mãi mãi không được tiết lộ. 

Dối lòng còn cho thấy một sự phân vân bất nhẫn mà em thường gọi là tội ác. Là đúng hay sai, là chọn làm hay không làm, ăn hay không ăn, ngủ hay không ngủ, yêu hay không yêu,...họ không biết. Khi không tìm ra câu trả lời, họ chọn đại và nhắm một mắt - mở một mắt sống với điều đó.

---

Em thấy mình cần có một trái tim đủ dũng cảm để trung thực

---

- Chuyện gì sẽ xảy ra khi người ta cởi mở lòng mình?

- Người ta sẽ tốt lành hơn.

(Haruki Murakami)

Hồi còn uống rượu thì không có tiền, toàn nốc rượu trắng. Hồi bỏ rượu, thì có tiền mua rượu, mà hỏng uống.

---

Thiệt ra, mở lòng khá khó với em. Mỗi khi rửa mặt và nhìn khuôn trăng baby của chính mình, em tự giật mình vì không thể ngờ được chỉ 3-4 năm nữa thôi, mình sẽ thuộc hàng U30. Vậy mà nhỡ mà về nhà coi phim với bố mẹ, gặp cảnh ai đó hôn nhau nồng cháy hoặc làm tình, em còn phải che mặt, nhìn ra chỗ khác, thay vì hét lên “YAHOOO”. 

Gần đây, em có hỏi mẹ một câu thật lòng và nghiêm túc - phản ảnh chân thực mong muốn của mình rằng:

- Nếu con có bạn trai, con sẽ dọn qua ở chung với anh ấy được không

- Tất nhiên là không? … Mẹ không khó, cũng không muốn mọi chuyện quá dễ

- Nếu không sống chung, sao con biết người ta có đủ tốt để yêu nhau hoặc chung sống với nhau tới già được hay không? 

- Vậy mấy người sống với nhau từ 1-3 năm hoặc 10-20 năm vẫn bỏ nhau được, thì lý do là gì? Đâu cần phải sống thử mới biết để sống thiệt. Biết nhau nhiều không làm người ta gắn bó với nhau lâu hơn và ngược lại. Vấn đề là ở mình, chứ không phải ta biết bao nhiêu về đối phương. Càng biết nhau rõ, mà lòng dạ càng hẹp hòi, thiếu rộng lượng, thì cũng gãy giữa đường. 

---

Em tuy hay kể cho mẹ nghe mọi chuyện, nhưng duy nhất chuyện tình cảm của chính mình, em không hé răng nửa lời, trừ lúc em đã chia tay. Em cho rằng đó là chuyện cá nhân và cũng rất ngại hỏi mẹ để tư vấn. Em hay giấu và thường nói mọi thứ vẫn ổn mỗi khi có những chuyện không ổn. 

Em không kể bất cứ điều gì. 

Đoạn hội thoại trên chẳng là do mấy hôm nay, em bỗng dưng thấy yếu đuối và cô đơn một cách kinh khủng. Trạng thái này xảy ra khi em ở một mình trong thế giới nội tâm để đào bới chữ nghĩa và VIẾT. 

Em bỗng dưng muốn hỏi một câu thực lòng như thế. Mẹ em cũng trả lời thực lòng như thế. 

Mỗi lần đặt sự thật lòng trước một người, nói ra điều trong trái tim mình suy nghĩ, em thường e ngại ứng xử ngược lại của đối phương khi nó không giống như những gì em nghĩ. Hoặc vì em đã quen tư duy thiệt hơn. Em sợ mình thiệt. Không xấu hổ lắm để phải thừa nhận rằng em hay thỏa hiệp với sự dối gạt và phản bội lời nói từ ngôi đền tinh thần. 

Rồi sao nữa. 

Em không bị thiệt, thật. NHƯNG em trống rỗng, em lại ước lúc đó mình chịu thiệt. 

Em sống với một người mẹ phải nhường nhịn mọi người và phải chịu thiệt thòi về phần mình quanh năm, suốt tháng. Em rất sợ mình cũng sẽ lâm vào hoàn cảnh ấy, và em càng không thể nói cho mẹ nghe cảm giác này của mình, 100% mẹ em sẽ buồn. 

Em nhớ ngày em chia tay người yêu gần nhất, em có hỏi mẹ, em như vậy có phải là tại sống với mẹ từ nhỏ không? Em thấy mẹ làm cho ba những điều đó và làm theo, nhưng em không hề biết em không phải là kiểu người như vậy, em đã không vui vì hành động như một thói quen. Mẹ đã im lặng một đoạn thật dài. Mẹ em còn nói với bạn em là Tội em quá nhưng không bao giờ mẹ nói gì trước mặt em. Ngày tiễn em vào SG học Đại học, mẹ cũng chỉ khóc lén với nó. 

Mẹ cũng sợ “thật lòng” với em. 

Thực lòng mà nói, một đứa con gái mê làm việc đến mức nhỏ Povidine vào mắt vì tưởng đó là thuốc nhỏ mắt như em thì không thể là một cô gái nữ công gia chánh hoàn hảo được. Em cũng thực lòng bày tỏ muốn được về quê ăn Tết cùng ba mẹ sau khi đã lấy chồng, em thực lòng mong muốn có người thấu hiểu dù tính tình hơi kì quặc,... quá nhiều thứ thực lòng như thế, quả là không mấy người có thể chấp nhận. 

Rồi sao nữa. 

Em một mình và cô đơn đậm đặc tăng “nồng độ” trong những ngày hoóc môn hoạt động mãnh liệt. Có lúc em tưởng mình đã có tất cả, cũng có lúc thấy mình mất tất cả.

---

Em cũng hay đặt câu hỏi nếu HY MAGAZINE của em được xuất bản, thì Rồi sao nữa?

Người ta tưởng em làm HY MAGAZINE vì muốn kiếm chút fame. Em đâu kiếm ra tiền từ nó đâu, em còn bỏ tiền và công sức để nuôi nó nữa. Cái em muốn là điều tốt lành dễ chịu mà em viết ra từ bên trong mình, có thể giúp dù chỉ một người cảm thấy tương tự. Thế thôi, em cũng đã rất vui trong lòng rồi. 

Em biết quá rõ chính mình không có nhu cầu được nổi tiếng. Tiền bạc - Danh vọng là thừa trong mắt em. Em xem chúng như cách em đi mua quần áo: Thiếu thì đi kiếm, chứ không có nhu cầu mua nhiều - xịn - đủ loại. Em luôn hình dung một ngày nào đó, nếu nó được xuất bản thành báo giấy, em sẽ mang chúng đến những nơi có các trẻ em nữ nghèo thân yêu của em, để nói cho các em nghe về niềm tin và ước mơ của Hy. Một cô bé bình thường yêu làm báo và mê tạp chí. Và em sẽ dạy chúng nuôi dưỡng ước mơ.

Em không thích hoa trước đây, nhưng đã bắt đầu yêu hoa lần đầu tiên khi thấy chúng trong thể trạng héo úa ... 

Với em, nghề viết là thánh đường, mỗi lần ai đó đề nghị em về làm editor cho họ, em chưa bao giờ mở miệng hỏi về lương, câu duy nhất em hỏi chính là: Em có thể viết theo đúng văn phong của em mà không bị ai chạm vào không? 

Hiện tại em thấy nhiều Blogger, Vlogger rất giỏi trong việc sử dụng tư duy và khả năng diễn đạt (ngôn từ, hình ảnh, video,…) của mình để tạo ra một cộng đồng những người có cùng tư duy hoặc định hướng tư duy cho những ai chưa có tư duy gì. Họ chia sẻ về những điều khá hay ho của bản thân để tạo nội dung chia sẻ và tạo các cuộc đối thoại 2 chiều giữa cộng đồng. 

Khi có một lượng fan nhất định, họ lại lựa chọn nói tiếng của mình xen lẫn tiếng nói của “người ta” (nhãn hàng) nhằm rất nhiều mục đích. Càng nổi tiếng, họ càng được trả nhiều tiền để viết theo theo ý người khác muốn. Âu cũng là một kiểu kiếm sống. 

Điều này KHÔNG đồng với quan niệm cũ cho rằng: Nghề chữ nghĩa nghèo một đời và khó tạo ra tiền bạc. Ý ở đây là những nghề chữ nghĩa chân chính, chứ không phải bất kỳ ai làm trong lĩnh vực “viết chữ” này. 

Em dù không thích nhưng cũng hạn chế nói về vấn đề này vì đồng nghiệp và trong nghề cũng có kha khá các anh/chị đang phải hoạt động dưới hình thức như vậy. Không thích thì mình đi chỗ khác mà chơi, em không có quyền ý kiến về đời sống riêng tư của người khác. 

Phương án cho việc được hoàn toàn nói theo tiếng của mình hiện tại chính là cộng đồng cần donate cho mỗi nội dung “idols” mình sản xuất ra trên các nền tảng số khác, nhằm giữ được sự tinh khiết trong tiếng nói mà người làm nghệ thuật muốn nói. 

Sẽ thật tuyệt nếu có thể để người nghệ sĩ được THẬT LÒNG nói điều mình muốn.

Tuy mở lòng rất khó, nhưng em vẫn sẽ cố

Trò chơi thật lòng này tuy kết quả không thể như em mong đợi, nhưng nó cho em điều còn lớn lao hơn điều em mong đợi - một sự thật (không màng kết quả)

Rồi sao nữa với em chính là dù có sao nữa, ta vẫn phải ngẩng cao đầu nói to Rồi sao và bước tiếp, cho dù có sao đi chăng nữa.

Đâu gì có thể hủy hoại những điều tốt đẹp nằm ngoài khả năng hiểu biết của con người mà họ đang tin tưởng.

Chúng ta biết tất cả và cũng không biết gì cả. 

Nhưng biết thắc mắc là tín hiệu tốt. Vì nó nhắc em đi tiếp như thế nào và vì sao nên dừng lại.

Em khuyến khích mọi người mở lòng thật nhiều mặc kệ cái kết RỒI SAO NỮA

Có lẽ cái kết đó sẽ không là một “cô gái xinh xắn”, nhưng nó sẽ là một “cô gái tốt”. 

Cô gái xinh xắn sẽ cho chúng ta sự tự hào khi sở hữu, vuốt ve bản ngã dịu dàng, nhưng một cô gái tốt lại là một người tri kỷ lâu dài, một người tình lý tưởng.

Đừng cố chơi mind-game với mọi người, hãy thực lòng thực dạ tận hưởng hạnh phúc đích thực không màng lo lắng. 

Dù cái gọi là hạnh phúc hoàn toàn là kinh nghiệm cá nhân, không bao giờ có thể đem áp dụng cho tất cả. Hạnh phúc với nhiều người phải là một vòng tròn viên mãn, nhưng với những người khác có thể chỉ đơn giản là một hình bán nguyệt, một đường zíc zắc dở dang... 

Ngay cả định nghĩa "Happy Ending" trong những câu chuyện cũng rất khác nhau. 

Thôi thả lỏng vậy....