Mind-game

Thumbnail of the post Mind-game

Trò chơi tâm trí là một trong những trò chơi hấp dẫn và kích thích tôi từ lúc còn nhỏ.

Nó thỉnh thoảng mang đến “vinh quang” giả tạm cho bản ngã và đánh gục lòng tự trọng của những kẻ sắc sảo, thông minh của mình trong vài cuộc chơi đấu trí. 

Mind-game còn chỉ cho ta thấy sự yếu đuối của một kẻ nghĩ mình cao hơn đồng loại, một hình thức núp bóng “gia trưởng”, độc tài, muốn mọi thứ theo suy nghĩ cá nhân và thích thao túng tâm lý người khác. 

Tồi tệ hơn, khi có kẻ còn chơi mind-game với chính những người thương yêu họ. Họ cho rằng mình thông minh tài ba, nhưng chẳng qua là vì họ quá ngốc trước ân sủng của cuộc đời. Họ thường nghĩ mình giỏi khi đánh giá chính xác và tiếp cận mục tiêu thành công nhưng thực tế, chả ai “ngốc” đến mức để bị họ “dắt mũi” và thao túng như vậy. 

Chung quy, không có gì đáng nói vì tôi khi đó cũng chỉ là một kẻ hèn nhát, cảm thấy thiếu an toàn, nỗ lực kiểm soát mọi thứ nhằm kìm hãm cơn lo âu và thiếu niềm tin vào con người trong nhiều tháng ngày bạt nhược đó. 

-----

Tôi - trong các tình huống khó khăn, luôn thử những cách giải quyết mới và xem chúng như một bài tập để mình khai thác khả năng của tâm trí. Nhờ hiếu thắng và tự tin thái quá vào bản thân, nên tôi luôn tìm mọi cách rất là “tricky" để vượt qua mọi khó khăn của bản thân mà không chạm vào lợi ích của một đối tượng khác.

Tôi quan sát mọi thứ rất kỹ và nắm bắt vấn đề rất nhanh. Vừa giúp mình, tôi cũng vừa là quân sư của bạn bè. 

Mọi người thường tìm đến tôi để tìm lời khuyên và ai ở bên cạnh tôi thì được trở thành người được hưởng FREE vé học trò do thầy Hy phát hành. 

Từ nhỏ đến lớn, tôi thường làm điểm tựa cho mọi người và cho chính mình. 

Tôi không còn hay than vãn với người khác về các vấn đề của bản thân, chỉ là, nếu có, cũng chỉ là những lời nói vô thường vô phạt, không cần ai đáp trả.

Tôi không ngại chia sẻ, tôi cũng không sợ đánh giá khi khai thác tận cùng những cái sai và xấu của bản thân. Tôi biết chơi mind-game với người khác là một “nhân” xấu và nó sẽ gặt "quả" tồi trong một ngày không xa nào đó. 

Nó chỉ thoả mãn cái tôi ngu ngốc của mình trước con người vì sự cao ngạo mà chẳng có một chút ý nghĩa gì. Dư vị duy nhất còn lại trong trong mớ hỗn độn đó là một sự nhận thức tự thân, giúp tôi có thể nhận biết khi ai đó đang dùng mind-game với mình và dễ dàng tìm ra luật để thắng mọi ván Board game cùng bạn bè.

Tôi nói ra đây như một cách cho Hy ngày xưa lẫn ngày nay và mọi người cùng nhìn nhận vấn đề: Hãy dừng lại sự đa nghi và sở thích phán đoán con người qua một vài hành động nhất định, để bắt đầu đặt niềm tin vào sự tốt đẹp của đồng loại.

Mỗi khi thấy ai đang chơi mind-game với mình, tôi hay lờ đi hoặc nói thẳng với họ và sau đó vẫn chọn để họ “sử dụng" chính mình. 

Người đến trước mặt tôi, ngay giờ phút này, không cần gắng gượng và sợ hãi. 

Tôi chấp nhận bản thân họ như cách vốn dĩ họ đang sống. 

Nếu họ cần tôi giúp, tôi sẽ giúp. 

Nếu họ lợi dụng tôi vì tôi có đủ cơ sở, tôi vẫn chọn giúp. 

Tại tôi không có thời gian để phân tích thiệt hơn khi kết quả đúng - sai mang lại chỉ là 50-50, và vì sự “đúng" với bản thân tôi luôn là 100 khi được giúp đỡ một ai đó. Nên tôi luôn thấy thoải mái nhất, bất kể họ đang hả hê hoặc đắc thắng. 

Tôi chỉ có “thắng" trong lòng. 

Tôi quá yêu bản thân mình đến mức không còn khả năng ganh ghét với cái “sướng" của một kẻ khác.

Tôi thích ý niệm Chúa nói với Toma rằng “Phúc cho ai không thấy mà tin” như bản năng chọn tin vô điều kiện vào sự tốt đẹp phía trước mà không cần nghĩ ngợi đến các trò chơi tâm trí bõ bèn cái thói đa nghi được cấy mầm trong bản thể, đợi nước đời tưới để nảy mầm.

Ngược đời là, tôi có những người bạn khá đa nghi, nhưng lại rất dễ tin người. Còn tôi lại là kẻ không đa nghi, nhưng tôi lại chẳng tin ai, ngoại trừ chính mình. Giống như cách nghĩ: Ta tin đạo nhưng không tin người theo đạo cho lắm vậy. 

Tôi tin chính tôi, tôi tự mình tin được mình có thể tốt hơn hoặc trao cho người khác một sự tốt hơn bằng tấm lòng “tin vào con người". 

Và không may, “tin nhau" cũng chính là chìa khoá duy nhất để phá vỡ mọi ván mind-game. 

Trò chơi nào cũng có luật, nếu bạn nắm chắc luật, bạn sẽ gỡ game thành công, trò chơi tâm trí cũng vậy. Nếu phải phân tích sâu hơn vì sao con người lại chơi mind-game với đồng loại của mình và nói cho bạn cách hoá giải, thì tôi nghĩ sẽ có nhiều bài viết khác hữu ích và nói hay hơn tôi. 

Còn giờ, tôi chỉ muốn nói về cách giải trò chơi này “mì ăn liền” nhất có thể. Nếu bạn đủ duyên hiểu và đủ sâu để cảm, biết đâu nó lại giúp ích cho bạn.

Bước 1: Tự tin = Tự mình tin vào chính mình. Hãy tin chính mình - tin thật sự ngay lúc đó.

Bước 2: Tin nhau = Tin vào sự tốt đẹp của đối phương, bất kể xấu - tốt. Hãy xuôi theo lời họ dẫn dắt.

  • Nếu may mắn họ tốt, ta mừng cho ta.
  • Nếu không, hãy thông cảm cho họ, vì họ đang không biết rằng mình đang rất đáng thương trong cuộc đời. Hãy tha thứ cho họ.

Bước 3: (Cho những trường hợp không may) Quay trở lại tha thứ cho họ.

Bước 4: Tin vào họ một lần nữa, nếu bạn đủ khả năng tha thứ hoàn toàn ở Bước 3.

Thật ra bạn cứ áp dụng các bước này thì khả năng cao là người ta sẽ chán “chơi mind-game" cùng bạn hoặc hoạ may, bạn sẽ được/bị họ dẫn dắt đến khi nào họ chán. Hihihi. Nhưng tôi có nói ở trên, để hoá giải ván game này, hãy cứ “tin nhau" vì “Cách tốt nhất để tìm ra liệu bạn có nên tin tưởng ai đó không là hãy tin tưởng họ”, Ernest Hemingway thông thái đã nói như vậy. 

---

Sự khác biệt của tập thể loài người khiến chúng ta vì thế mà đa dạng. Sự đa dạng này mang đến vẻ đẹp khác biệt vượt thoát những tầm nhìn hạn hẹp của mỗi cá nhân khi nhìn nhận và suy nghĩ về thế giới. 

Khi “tin nhau", bạn sẽ cho bản thân cơ hội khám phá sự khác biệt này và giúp bạn lớn lên. Hoặc chí ít, bạn sẽ giúp được chính họ cảm nhận niềm tin vô điều kiện, bớt đa nghi, để cùng họ TRƯỞNG THÀNH.